TP Thủ Đức chi 2.300 tỷ đồng tiền đền bù làm Vành đai 3
TP HCM – Hơn 300 hộ bị thu hồi đất làm Vành đai 3 đoạn qua TP Thủ Đức bắt đầu được đền bù với tổng số tiền 2.300 tỷ đồng để kịp khởi công dự án cuối tháng 6.
Sáng 8/5, TP Thủ Đức tiến hành trả tiền đền bù cho các hộ, tổ chức đã đồng thuận giao mặt bằng. Các trường hợp này thuộc diện bồi thường giai đoạn một đoạn Vành đai 3 đi qua địa phương, chiếm gần 55% trong tổng 556 trường hợp bị ảnh hưởng. Kinh phí bồi thường giai đoạn này cũng chiếm hơn 35% số tiền đền bù, hỗ trợ tái định cư cho dự án trên địa bàn (khoảng 6.500 tỷ đồng).
Người dân đến làm thủ tục nhận tiền đền bù Vành đai 3 tại TP Thủ Đức, sáng 8/5. Ảnh: Gia Minh
Đến làm thủ tục tại Ban bồi thường, giải phóng mặt bằng TP Thủ Đức từ 7h, ông Võ Văn Sáu, 68 tuổi, nói gia đình bị thu hồi khoảng 1.700 m2 đất nông nghiệp, được đền bù hơn 10 tỷ đồng. Mức giá này, theo ông là “hợp lý”, cao hơn một số dự án đã triển khai trước đây. Tuy nhiên, khu đất sau khi bị thu hồi chỉ còn khoảng 35 m2, nên ông muốn được bàn giao và nhận bồi thường toàn bộ, vì phần còn lại nhỏ hẹp khó sử dụng.
Ngoài ông Sáu, sáng nay hàng chục hộ khác mang giấy tờ, sổ sách đến làm thủ tục nhận tiền bồi thường. Phần lớn trường hợp giao mặt bằng thuộc đất nông nghiệp, một số có đất ở. Trong đó, có hộ giao diện tích khá lớn với gần 4.100 m2, cũng có hộ chỉ bị thu hồi khoảng 18 m2.
TP Thủ Đức là địa phương có đoạn Vành đai 3 đi qua dài nhất trên địa bàn TP HCM, với gần 15 km trong hơn 47 km. Đây cũng là địa bàn có mức giá bồi thường cao nhất, với khoảng 73,3 triệu đồng mỗi m2 đối với đất mặt tiền đường Nguyễn Duy Trinh (phường Trường Thạnh). Kế đến, đường Nguyễn Xiển (phường Long Bình) giá đất ở khoảng 33,3-69 triệu đồng một m2. Đường Long Sơn, mỗi m2 đất ở có giá khoảng 28,8-52,2 triệu đồng.
Công nhân cắm cọc giải phóng mặt bằng Vành đai 3 TP HCM đoạn qua Thủ Đức hồi tháng 10/2022. Ảnh: Thanh Tùng
Một số tuyến khác ở địa phương trên như Trần Trọng Khiêm (phường Long trường), giá đất ở khoảng 37,5-44,7 triệu đồng mỗi m2. Đường Tam Đa (đoạn từ Nguyễn Duy Trinh đến cầu Hai Tý, phường Long Trường), mỗi m2 có giá khoảng 29,1-59,9 triệu đồng.
Phó chủ tịch UBND TP Thủ Đức Nguyễn Hữu Anh Tứ cho biết địa phương đã chuẩn bị 239 nền tái định cư và 150 căn hộ chung cư để bố trí cho các hộ dân. Ngoài ra, thành phố cũng hỗ trợ người dân bằng cách tặng bản vẽ xin phép xây dựng nhà mới, cải tạo nhà cũ, hỗ trợ tháo dỡ, di chuyển qua nơi ở mới giúp họ ổn định đời sống. “Địa phương đặt mục tiêu hoàn thành việc thu hồi đất và bàn giao 70% mặt bằng để khởi công dự án trước ngày 30/6”, ông Tứ nói.
Ngoài Thủ Đức, khoảng 33 km còn lại của Vành đai 3 ở địa bàn TP HCM đi qua huyện Hóc Môn, Củ Chi và Bình Chánh. Trong đó, hai huyện Hóc Môn và Củ Chi cũng bắt đầu chi trả đền bù cho các hộ dân bị ảnh hưởng từ tuần trước. Riêng Bình Chánh, công tác chi trả bắt đầu tư ngày 9/5.
Hướng tuyến Vành đai 3 TP HCM. Đồ hoạ: Khánh Hoàng
Tổng diện tích giải phóng mặt bằng làm Vành đai 3 trên địa bàn TP HCM khoảng 410 ha với hơn 1.700 trường hợp bị ảnh hưởng. Việc thu hồi đất cho dự án được chia làm hai giai đoạn để đẩy nhanh tiến độ. Bước đầu, chính quyền thu hồi với các trường hợp đồng ý bàn giao, sau đó sẽ tiếp tục làm việc với những hộ chưa đồng thuận. Thành phố đặt mục tiêu hoàn thành chi trả bồi thường giai đoạn hai cho người dân trong tháng 8 và bàn giao toàn bộ mặt bằng trước 15/11.
Thành phố cũng đã chuẩn bị các khu tái định cư tại chỗ cho những trường hợp bị giải tỏa trắng, đủ điều kiện. Những hộ có nhà, đất bị giải tỏa trắng không đủ điều kiện tái định cư sẽ có chính sách và chuẩn bị đủ quỹ căn hộ chung cư cho người dân. Ngoài ra, các trường hợp khó khăn, không đủ tiền trả một lần khi mua căn hộ cũng được xem xét cho trả chậm trong 15 năm.
Nguồn: https://vnexpress.net/tp-thu-duc-chi-2-300-ty-dong-tien-den-bu-lam-vanh-dai-3-4602577.html